Dù lượn là gì?

Thắng - 2024-01-26 17:32

DÙ LƯỢN LÀ GÌ

Dù lượn (tiếng anh là Paragliding) là một môn thể thao hàng không thuộc nhóm Free Flight (không động cơ), phi công ngồi trên một chiếc đai (harness), kết nối với một cánh dù lượn (paraglider) có biên dạng gần giống một cánh máy bay.


Tôi đã từng bay các chuyến bay kéo dài hơn 5 giờ, với độ cao hơn 2999m. Kỷ lục bay đường trường của tôi hiện nay là 168km, thực hiện tại ThaiLand.


Dù lượn là môn thể thao thử thách giới hạn của bản thân. Khi chơi dù lượn chúng ta sẽ được trang bị các kiến thức về hàng không như xác định hướng bay, đọc thời tiết,…. Đến với dù lượn bầu trời không còn là giới hạn

Các cấp độ trong dù lượn

Dù lượn là gì?

Là hình thức bay đơn giản nhất, được gọi là môn thể thao hàng không thú vị và dễ dàng nhất cho mọi người. Như một con chim trời khi bạn bay trong không trung hàng giờ với năng lượng là gió trên bề mặt quả đất. Dù lượn là một chiếc cánh đơn giản, người bay dùng chuyển động của dù trong dòng không khí tạo ra lực nâng không khác gì đôi cánh của loài chim trời. Nó hoàn toàn khác với các hình thức bay lượn khác mà bạn đã từng biết trước đây.

Tôi rất sợ độ cao, liệu có thể chơi môn dù lượn không?

 Chắc bạn cũng không tin đâu nhưng rất nhiều (hầu như tất cả) phi công dù lượn cũng rất sợ độ cao (cái mà bạn gọi là sợ độ cao ấy). Đó là khi bạn đứng chênh vênh trên mái nhà dù chỉ cao 3-4m, trên một cái thang hay trên 1 vách núi và nhìn xuống, bạn cảm thấy rợn sống lưng, gan bàn chân buồn buồn và mồ hôi tay toát ra đúng không ? Đó là vì bộ não chúng ta cảm nhận được những yếu tố không an toàn và báo cho chúng ta qua các phản xạ có điều kiện được hình thành từ khi chúng ta còn nhỏ. Chúng tôi gọi đó là "sợ nguy hiểm", ai cũng có nỗi sợ này, chính nó giữ cho chúng ta an toàn trong cuộc sống hàng ngày.

Còn nếu bạn đã từng đi máy bay, bay cao hàng ngàn mét, bạn vẫn bình thản ngắm trời đất qua cửa sổ máy bay mà không hề cảm thấy các biểu hiện trên => bạn hoàn toàn không sợ độ cao. Vì bạn hiểu chiếc máy bay mà bạn đang ngồi an toàn nhất trong các phương tiện vận tải trên trái đất và bạn tin tưởng vào nó cũng như phi hành đoàn.

Tương tự như vậy đối với dù lượn hoặc các môn thể thao mạo hiểm khác, nếu bạn tìm hiểu kỹ về nguyên lý, độ an toàn của trang thiết bị, luyện tập kỹ lưỡng và tin tưởng vào các HLV, bạn sẽ không còn sợ hãi gì nữa và tự tin tung mình vào khoảng không với chiếc cánh trên đầu.

Học dù lượn có khó không ?

Phần lớn mọi người đều cho rằng: học bay dù lượn là một chuyện rất khó khăn. Nhưng thực tế, chuyên học bay dù lượn khá dể dàng, điều cần thiết nhất vẫn là tuân thủ các nguyên tắc an toàn bay, luật bay, theo sát sự điều khiển của các huấn luyện viên, như vậy môn chơi sẽ trở nên thật sự an toàn và lý thú hơn.

Dù lượn (paraglider) có giống với dù nhảy (parachute) từ máy bay không?

Không – Dù lượn có cấu tạo tương tự với dù nhảy loại hiện đại, có thể lái được nhưng lại khác biệt ở những điểm rất quan trọng sau: Dù lượn “cất cánh” bằng chân do đó không có vấn đề bung dù gây một cú sốc mạnh cho người chơi, cấu tạo với nhiều xoang chứa không khí hơn (cells), dây mỏng hơn, hình dạng khí động học tốt hơn nên dù lượn không những có thể lượn được trong không khí mà còn có thể bay lên đến độ cao hàng nghìn mét chứ không đơn giản chỉ là hạn chế tốc độ rơi theo chiều thẳng đứng như dù nhảy từ máy bay. Và không phụ thuộc vào máy bay và các sân bay nên thủ tục và chi phí đơn giản hơn rất nhiều, dễ phổ cập hơn đến người chơi.

Dù lượn và diều lượn khác nhau như thế nào?

Diều lượn (hanggliding) là một cánh bay được cấu tạo bằng một khung nhôm (hay vật liệu composit), căng vải để hình dạng và biên dạng cánh luôn giữ nguyên dạng cứng chắc khi bay, người phi công dùng trọng lượng cơ thể của mình làm thay đổi trọng tâm của cánh để thay đổi phương của diều. Trong khi đó, dù lượn là một “túi khí” được duy trì lực căng (để giữ biên dạng và hình dạng) bằng áp lực không khí khi dù chuyển động ra phía trước, khi điều khiển người phi công có thể lái bằng 2 cách: lái bằng hãm (hay gọi là phanh, thắng) 1 bên để cho dù có chuyển động chuyển hướng hay lái bằng cách thay đổi trọng tâm của dù khi nghiêng người sang một bên. Thật ra nguyên lý bay của cả 2 loại đều không quá khác biệt về lý thuyết, nhưng diều lượn có tốc độ cao hơn và có thể thực hiện được các động tác phức tạp hơn dù lượn. Tuy nhiên, ngày nay có nhiều người đến với dù lượn hơn là diều lượn vì: nhỏ gọn dễ vận chuyển, dễ dàng hơn, chi phí thấp hơn, thuận tiện khi đi xa.

Vậy dù lượn có giống với nhảy từ điểm cố định (BASE jump) hay không?

Không – Vận động viên nhảy dù từ điểm cố định bung dù sau một thời gian ngắn rơi tự do trên không từ cầu, vách núi cao hay tòa nhà, tháp. Như vậy cũng không khác phương pháp nhảy từ máy bay và loại dù cũng là loại dù nhảy từ máy bay.

Vậy dù kéo có giống với dù lượn không?

Không – dù kéo (parasailing) là loại dù dành cho du lịch thưởng ngoạn ta thường thấy tại các khu du lịch biển hay sông, có thể thấy tại Nha Trang, Phan Thiết. Nó là biến thể từ dù nhảy hình tròn, và được kết nối vào canô cao tốc sao cho chuyển động của canô giúp cho dù có lực nâng tương tự như chạy thả diều vậy. Người chơi không có cảm giác bay lượn mà chỉ như đi lên thang máy ngắm cảnh mà thôi vì người lái canô cao tốc mới quyết định hướng đi cho dù, trong khi đó dù lượn bay tự do do vận động viên điều khiển. Với dù kéo người ta gọi người chơi là hành khách còn người ta gọi vận động viên dù lượn là phi công.

Dù lượn có đắt lắm không?

Cũng còn tùy quan điểm của mỗi người. Giá chơi môn này tại Việt Nam không đắt khi so sánh với quốc tế, với khoảng 2500 US$ trong tay là bạn đã có thể yên tâm cất cánh. Thêm vào đó giá cho từng lần chơi (cost per flight) cũng khá rẻ. Trong khi đó so sánh với tại Mỹ là 3100 US$ cho các thiết bi cần thiết thôi, đầy đủ có thể lên đến 5300US$. Khi so sánh môn này với một chiếc xe máy đời mới hiện nay như Spacy, acòng @ hay Dylan thì thật ra không ghê gớm. Ngoài ra bạn cũng có thể mua thiết bị đã qua sử dụng với chi phí rẻ hơn nhiều (~20tr), tất nhiên là với sự kiểm tra và hướng dẫn của các HLV.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trong khi bay gặp thời tiết xấu?

Thật may mắn cho điều này, khi đang bay chúng ta đang có cao độ và sẽ cảm nhận được sự thay đổi thời tiết từ xa (vài cây số hay lên đến vài chục cây số), quan sát bằng mắt qua biểu hiện của các đám mây, màu sắc mây, nhiệt độ… trong phần nâng cao, các bạn sẽ được truyền đạt kỹ về vấn đề này. Ngoài ra cũng trong phần nâng cao, bạn cũng được truyền đạt kinh nghiệm làm sao để có thể hạ cánh nhanh khi thời tiết thay đổi nhanh để quá trình bay trở nên an toàn hơn.

Dù lượn có an toàn không?

Dù lượn có an toàn hay không hoàn toàn là do phi công điều khiển dù. Các thiết bị bay tốt, đúng chuẩn, được tập luyện và huấn luyện kỹ lưỡng và điều quan trọng là các quyết định xử lý tình huống đúng đắn sẽ giúp người chơi an toàn. Nếu phải so sánh với việc điều khiển xe máy tại Việt Nam thì chắc chắn là an toàn hơn.

Có cần phải có sức khỏe thật mạnh về cơ bắp không?

Chỉ cần chăm chỉ chạy bộ hay tập thể dục hàng ngày để cho sức khỏe dẻo dai là được, không cần phải tập tạ hay điền kinh mới có thể chơi môn này, quảng đường ngắn đi bộ đến nơi cất cánh thường cũng là bài tập luyện ngắn cho tính dẻo dai của vận động viên. Tại các nước phát triển môn này thu hút những người trong độ tuổi từ 16 – 75, nam cũng như nữ đều có thể chơi môn này. Sự khéo léo giúp các vận động viên điều khiển dù chứ không phải là cơ bắp.

Đăng ký học dù lượn như thế nào:

Chúng tôi có kế hoạch tuyển sinh khóa mới liên tục. Chúng tôi thường thông báo rộng rãi trên fanpage, các bạn chú ý theo dõi.

Hoặc các bạn có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để tìm hiểu về khoá học 

Để bay đôi dịch vụ với HLV tôi cần phải làm gì ?

Thời gian:

Tổ chức các buổi bay phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và thời gian rảnh của các huấn luyện viên, thường được tổ chức vào các ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật. Các bạn có thể đăng ký theo mẫu dưới đây, ghi rõ thời gian rảnh phù hợp với bạn. Tùy theo lịch các bạn đăng ký, chúng tôi sẽ lập kế hoạch tổ chức và báo trước cho các bạn từ 1 đến 3 ngày. Các điểm bay gần Hà Nội sẽ đi về trong ngày (Đồi Bù, Viên Nam, Linh Trường), các điểm bay xa (Khau Phạ, Khánh Vĩnh) có thể mất từ 2 đến 5 ngày. Thời gian bay trên không tùy vào điều kiện thời tiết và sức khỏe của hành khách, sẽ từ 10 đến trên 20 phút. Cá biệt có những chuyến bay dài 1 - 2 tiếng.

Địa điểm:

Chúng tôi thường bay hàng tuần tại các điểm bay gần Hà Nội như núi Đồi Bù (giữa Xuân Mai và Miếu Môn, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km) hoặc núi Viên Nam (gần sân bay Hòa Lạc, cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km). Thỉnh thoảng (vài lần /năm) ở các điểm bay xa như núi Linh Trường (Thanh Hóa, cách Hà Nội 160km) hay đèo Khánh Vĩnh (Nha Trang). Lưu ý điểm bay đèo Khau Phạ (Mù Căng Chải, Yên Bái) thường chỉ tổ chức 1 năm 1-2 lần vào cuối tháng 9, điều kiện bay đôi không thuận lợi nên thường chúng tôi ít nhận bay dịch vụ, chủ yếu chỉ phục vụ truyền thông, báo chí và đối ngoại.

Cần chuẩn những bị gì:

Các bạn cần chuẩn bị quần áo dài để chống nắng và tránh sướt sát, tốt nhất nên mang thêm 1 bộ dự phòng để thay trong trường hợp bị ướt hoặc bẩn. Mang giày thể thao, cao cổ (bốt, giày bóng rổ) càng tốt. Ngoài ra cần chuẩn bị mũ rộng vành che nắng, găng tay bảo hộ (loại sợi, bán ở các CH bảo hộ lao động), kính râm, kem chống nắng, chống vắt, đồ ăn nhẹ, nước uống (1-2 chai 0,5L). Có thể mang máy ảnh và gậy selfie (tốt nhất là máy quay 360, GoPro), có dây buộc, tránh dùng điện thoại có thể rơi mất. Các bạn không cần tập luyện gì trước cả, bay đôi với HLV ko yêu cầu thể lực, phụ nữ hay người có tuổi đều có thể bay. Yêu cầu không có tiền sử các bệnh tiền đình, tim mạch hay cao huyết áp. Nếu hay say tầu xe có thể hạn chế ăn sáng hoặc uống thuốc chống say trước khi bay 1h. Trọng lượng giới hạn của hành khách là không quá 150kg. Nếu các bạn có như cầu cung cấp ảnh và video của chuyến bay, chúng tôi có thể cung cấp với chi phí hợp lý. 

Phương tiện di chuyển:

Các bạn có thể tự di chuyển đến các điểm bay và lên núi. Tọa độ và đường đi tham khảo dưới đây. Hoặc các bạn có thể đi chung với các thành viên trong CLB và cùng chia sẽ chi phí.

Chỉnh sửa nguồn từ FBVietWinghn